Ai học ngoại ngữ cũng muốn nói sao cho giống được như người bản xứ, nghe sao cho được hết những gì người bản xứ nói. Nhưng thực tế thì rất nhiều người không làm được như vậy mặc dù họ có vốn kiến thức rất tốt về ngôn ngữ họ đã học như từ vựng, ngữ pháp…. Tuy nhiên, lại có rất nhiều người học nói được rất hay như người bản xứ.
Thực tế đã chứng minh, ngoài điều kiện được tiếp xúc trong môi trường từ sớm và tố chất trời phú thì việc nghe hiểu và nói giống người bản xứ là hoàn toàn có thể tập luyện được nếu chúng ta chăm chỉ và sử dụng đúng phương pháp. Dictation và Shadowing chính là những phương pháp hữu hiệu đã giúp cho nhiều người đạt được như vậy.
I. Chép chính tả – Dictation
Đúng như cái tên của nó, bản chất của phương pháp này là chép lại những gì mình nghe được.
Phương pháp này được biết đến từ năm 1981 (htps://en.wikipedia.org), đã được nhiều người áp dụng thành công trên thế giới, nó cũng được công nhận là hữu hiệu cho rất nhiều người học ngoại ngữ ở Việt Nam.
Hiệu quả của phương pháp này:
– Khi chúng ta cố gắng để có thể ghi lại tapescript của audio, chúng ta sẽ đạt được sự tập trung cao độ vào việc nghe và phân biệt âm. Sự tập trung này không thể đạt được nếu chỉ nghe thông thường.
– Luyện cho chúng ta nhận ra và làm quen được với những chi tiết khó như nối âm, âm điệu, ngữ điệu…
– Luyện nghe và phân biệt được từng chi tiết thường không được phát âm rõ hoặc bị lướt nhanh như âm đuôi, mạo từ, các từ không không được nhấn….
Ngoài phát triển kỹ năng nghe, mình thấy nó còn giúp mình nhận biết được những cấu trúc và kỹ thuật viết hay qua sự nghe đi nghe lại, nhìn đi nhìn lại. Nếu chỉ đọc hiểu thông thường có khi mình không nhận ra được chúng để mà học theo.
Phương pháp luyện tập:
– Chọn 1 audio có transcript của người bản xứ, có thể là Anh – Anh hay Anh – Mỹ tùy sở thích của bạn
– Nghe hết audio một vài lần xem mình hiểu được bao nhiêu phần
– Tập trung nghe đi nghe lại từng câu một cho đến khi nghe được rõ nó và ghi lại những gì mình nghe được. Chỉ nên chuyển câu khi đã nghe được hết, hoặc thực sự chịu thua không thể nghe ra. Bạn vẫn phải ghi lại những gì mình nghe được.
– Note/đánh dấu lại những chỗ không nghe được.
– Sau khi nghe và chép hết từng câu của audio, vừa nghe lại cả audio vừa nhìn theo phần chép của mình. Lúc này bạn có thể thấy một số chỗ sai của mình và sửa lại.
– So sánh với transcript xem mình đúng sai chỗ nào và xem kỹ những chỗ đã đánh dấu mà mình không nghe được. Đó là sai về âm của từ mà mình không biết hay sai về ending sound hay sai về nối âm hay về ngữ điệu…
– Nghe kỹ lại những chỗ sai của mình cho đến khi cảm thấy quen thuộc -> rút kinh nghiệm và bài học từ lỗi sai đó.
– Nghe lại toàn bộ audio mà không nhìn transcript xem có còn chỗ nào mình vẫn không nghe được không. Nếu có check lại chỗ không nghe được với transcript. Tiếp tục như thế cho đến khi nghe được hết.
Gửi các bạn danh sách các trang web luyện nghe có transcripts hữu ích mình liệt kê tại ĐÂY.
Tổng hợp những file audio kèm transcript hữu ích cho chép chính tả – download. Các bài trong này phân chia trình độ cao thấp theo thứ tự, các bạn hãy lựa chọn bài có cấp độ phù hợp với trình độ của mình để luyện tập lên dần nhé. Mỗi bài đều có transcript và wordlist cùng giải thích kèm theo.
Một số trang web hay để luyện dictation
– https://www.learnenglish.de/dictationpage.html
– https://ttsreader.com/ – trang này cùng lúc vừa chữa ngữ pháp vừa đọc những gì bạn viết bằng giọng bản xứ. Bạn có thể sử dụng nó nói mẫu để bạn nói theo cho những đoạn text mình muốn. Có thể dùng để nhờ họ đọc mẫu bài speaking mà bạn vừa soạn và so sánh với bài nói ghi âm của mình.
Lưu ý: Dictation – Chép chính tả là một phương pháp cực kỳ hữu hiệu cho những người mới học tiếng Anh, khi mà sự nhận biết về ngữ âm, ngữ điệu của từ, câu còn yếu. Nó cũng hữu hiệu cho những người hay mất tập trung, đang nghe nhưng tâm trí lại nghĩ miên man việc khác. Tuy nhiên nó lại cực kỳ tốn thời gian. Nếu bạn có thể hiểu được khoảng 50% trở lên, bạn chỉ nên chép lại những chỗ bạn không nghe được hoặc thử áp dụng tập luyện listening với nghe tập trung.
II. Shadowing – Nói nhại
Shadowing là một kỹ thuật học tập ngôn ngữ được phát triển do một giáo sư người Mỹ là Alexander Arguelles. Phương pháp này đã và đang được áp dụng vào việc học tập ngoại ngữ của rất nhiều người trên thế giới. Chúng ta tìm hiểu xem Shadowing là gì nhé.
Cái tên Shadowing đã nêu rất rõ về bản chất của phương pháp này đó là theo bóng. Về cơ bản phương pháp này là đi theo bóng của người nói tức là ngay lập tức nói nhại theo những gì mình nghe được. Đây là phương pháp học ngoại ngữ như một đứa trẻ, nghe và lặp lại ngay lập tức những gì nghe được. Hay đơn giản bạn tưởng tượng như một người đang tập hát theo một bài hát mà họ chưa quen và thuộc với âm điệu của nó. Họ sẽ vừa nghe vừa hát theo bài hát cho đến khi hát được giống như bài hát đó. Luyện phương pháp này trong thời gian dài người học sẽ có được phản xạ nghe nói rất tốt.
Hiệu quả cơ bản của phương pháp Shadowing mang lại là:
– Phát triển khả năng nghe của người học
– Phát triển khả năng nói cho người học: nói đúng, hay, có ngữ điệu như người bản xứ
Các bước luyện tập:
1. Lựa chọn audio có cả transcript để luyện tập. Nguồn audio hay video có transcript có rất nhiều trên internet đặc biệt dễ tìm nhất là các kênh trên Youtube.
Điều quan trọng là chúng ta nên sử dụng các audio có tốc độ nói phù hợp với khả năng hiện tại của mình. Vì ngoài việc hiểu được nội dung chúng ta còn luyện làm sao để nghe và nói được giống như thế. (lưu ý nếu mục tiêu để luyện thi Ielts thì nên tìm các nguồn audio giọng Anh – Anh vì giọng Anh – Mỹ sẽ có một số điểm khác biệt, trong khi thi Ielts chủ yếu chúng ta sẽ nghe Anh – Anh.)
Gửi các bạn danh sách các trang web luyện nghe có transcripts hữu ích mình liệt kê tại ĐÂY.
2. Đọc và hiểu kỹ nội dung của audio tức là phần lời thoại.
3. Nghe và nói theo. Chú ý bắt chước y hệt về cách phát âm của từng âm, của ending sound, cách nối âm, ngữ điệu, nhịp ngắt khi nói,…, của bất cứ gì chúng ta nghe được càng giống càng tốt.
– Bước đầu vừa nhìn lời hội thoại vừa nghe vừa nói theo. Luyện tập bước này cho đến khi thấy ổn thì thôi.
– Bước sau, không nhìn lời hội thoại, vừa nghe vừa nói theo.
– Bước tiếp theo, đọc lời hội thoại và ghi âm lại sau đó so sánh đoạn ghi âm của mình với audio gốc. Nếu thấy chưa giống thì làm lại đến khi bằng giống audio gốc thì thôi.
Các bạn cứ hình dung và làm như khi ta tập hát một bài hát chúng ta thích. Nghe và hát theo cho đến khi hát được giống hệt như ca sỹ hát đó về âm điệu lên xuống giọng, luyến láy, nối và ngắt âm…..
Qua việc thực hiện Shadowing này chúng ta sẽ biến giọng và cách nói của mình trở thành giống hệt với giọng và cách nói của người nói. Do đó sẽ rất tốt nếu chọn ra một hình mẫu lý tưởng về giọng và cách nói cho mình để luyện tập theo.
4. Chú ý: Trong thời điểm mới đầu các bạn không nên kỳ vọng là mình sẽ làm tốt được nhiều ngay. Hãy làm từng câu một sau đó nâng lên thành đoạn ngắn rồi đoạn dài rồi lên nữa theo quá trình tiến triển của mình. Khi chúng ta chưa quen với cách nói của người bản xứ chúng ta sẽ bị xoắn lưỡi liên tục khi nói theo họ. Chúng ta nghe thấy rất rõ, thậm chí đọc transcript nhưng khi nói cả câu như họ thì vẫn bị xoắn lưỡi.
Kinh nghiệm của mình là không nên nóng vội, hãy làm từ từ từng tí một. Với những câu khó, bị xoắn lưỡi, đầu tiên mình nghe kỹ đoạn audio, sau đó shadowing theo một lúc để quen cách đọc của speaker thế nào sau đó mình dừng audio lại và nhìn vào đoạn text của câu rồi đọc với tốc độ như thế. Khi nhận ra những chỗ làm cho mình bị xoắn lưỡi, mình sẽ chỉ đọc đi đọc lại mỗi chỗ đó cho đến khi nhuần nhuyễn trôi chảy, rồi mình ghép dần thêm với các từ trước từ sau. Cứ vừa đọc đi đọc lại vừa ghép dần cho đến hết câu. Sau khi đọc transcript câu đó trôi chảy rồi mình lại quay lại shadowing với toàn bộ audio cho nhuần nhuyễn rồi đọc một mình và ghi âm lai. Cứ thế cho đến khi ghi âm bằng giống với audio thì thôi. Có nhiều câu tốn mất của mình đến khoảng 10 – 15 phút, đọc đi đọc lại có khi đến cả trăm lần mới được. Nhưng sau đó thấy miệng và lưỡi của mình linh hoạt hẳn, và tình trạng linh hoạt này sẽ giúp mình shadowing các câu sau dễ dàng hơn nhiều.
Để luyện Ielts mình hay dùng các clip được thu âm kiểu như file tổng hợp mình giới thiệu trên phần Dictation hoặc trong các loại sách dậy tiếng Anh có kèm audio và transcript. Các audio trong Ielts test cũng được thu như vậy. Mình muốn làm cho mình thật quen thuộc với kiểu thu âm này.
2 trang này sẽ viết lại những gì bạn nói, từ đó giúp bạn biết mình phát âm đúng hay sai.
– https://speechnotes.co/
– https://dictation.io/
– https://ttsreader.com/ trang này cùng lúc vừa chữa ngữ pháp vừa đọc những gì bạn viết bằng giọng bản xứ. (kết hợp trang này với 2 trang viết những gì bạn nói là bạn đã có 1 phiên bản tập nghe và nói hay hơn Elsa 🙂 )
III. Cách luyện tập kết hợp 2 phương pháp trên của mình:
Các bước đã nêu trên là chi tiết kỹ thuật Dictation và Shadowing, nhưng với cách luyện tập của mình thì mình thường kết hợp luyện tập 2 kỹ thuật này cùng một lúc.
Có nghĩa là thay vì nói nhại ngay theo lời hội thoại, mình nghe và chép chính ta trước. Sau khi chép chính tả xong thì mới đọc kỹ lại phần lời hội thoại và tiếp tục các bước tiếp theo của Shadowing.
Mình thấy rằng việc chép chính tả giúp phát hiện rõ hơn về các yếu tố phát âm mà nếu chỉ nghe và shadowing bình thường không có sự tập trung cao độ như chép chính tả thì khó có thể nhận ra được như âm đuôi, âm gió, hay các mạo từ, nối âm…. chúng thường được đọc rất nhỏ hoặc bị lướt rất nhanh. Nếu không nhận ra được các chi tiết khó đó thì làm sao mình có thể nhại theo được.
Một số điều mình thường làm cùng với nghe chép chính tả và shadowing là:
– Chú ý đến cách đặt dấu chấm, phẩy… trong bài. Sau khi chép chính tả mình thường kiểm tra cách chấm phẩy câu của mình có giống với trong bài đọc không. Việc này giúp mình học hỏi cách đặt câu của người bản xứ.
– Chú ý đến cách viết trong bài đọc như cấu trúc, cách sử dụng từ vựng…. học những điều này qua chép chính tả và shadowing có vẻ dễ nhớ và nhớ lâu hơn so với việc đọc sách báo vì mình đã phải nghe nhiều lần và tập trung cao độ vào các câu từ của bài.
– Mình thường nghe, chép, nhại và học lại bài rất kỹ, chấp nhận tốn nhiều thời gian cho 1 bài dù là ngắn hay dài. Theo mình chất lượng luôn hơn số lượng.
Phần mềm tốt để nghe. Có rất nhiều phần mềm để nghe nhưng mình hay dùng Aegisub. Đây là phần mềm làm phụ đề cho film nhưng mình thấy rất phù hợp cho việc nghe chép chính tả cũng như nghe để shadowing. Nó có time frame rất to hiển thị chỗ có âm hoặc không, thiết lập điểm bắt đầu và kết thúc để nghe đi nghe lại rất dễ dàng chỉ bằng cách rê chuột, tiếng cũng được kích to hơn một chút so với trình nghe nhạc thông thường. Chỉ có điều là nó hơi kén file nên đôi khi mình phải dùng thêm phần mềm nghe khác mỗi khi không import được file vào Aegisub.
Gửi các bạn link download http://bit.ly/2d5rLaQ
Hướng dẫn sử dụng Aegisub để luyện Listening
Đôi khi mệt mỏi với việc phải căng đầu óc ra để shadowing như trên, hoặc muốn tranh thủ vừa làm gì đó vừa luyện ngữ điệu thì mình cứ bật audio lên và nhại theo những gì mình nghe thấy mà không cần hiểu, cũng có thể không phát được hẳn ra thành từ. Việc này vừa giúp mình tranh thủ luyện nghe thụ động vừa giúp luyện nói có ngữ điệu rất tốt.
Mình đặc biệt khuyên các bạn áp dụng Shadowing khi nghe thụ động. Trước đây mình cứ về nhà là bật tiếng Anh lên cho dù là mình làm gì đó chứ không phải là tập trung nghe, không BBC thì CNN hoặc bất kỳ gì có tiếng Anh. Mình cứ nghĩ là để cho mình chìm trong không gian tiếng Anh như thế thì sẽ giúp tăng khả năng nghe rất tốt. Nhưng thực tế lại ngược lại, qua quá trình nghe thụ động dài dài như thế, mình thấy khả năng của mình hầu như không tiến triển là mấy. Vì, tuy mình bật tiếng Anh lên như vậy nhưng đầu óc mình không tập trung rồi bị cuốn vào đủ thứ suy nghĩ. Không suy nghĩ về việc mình đang làm thì nghĩ về việc ở trường lớp, về việc bạn bè, gia đình….và thực tế là chả có từ tiếng Anh nào vào đầu mình cả. Sau này áp dụng Shadowing vào nghe thụ động mình thấy sự khác biệt rất rõ rệt. Việc mình phải chú ý vào nghe để nói lại, kể cả không thành tiếng được thì cũng ứ ứ theo ngữ điệu, đã giúp cho mình không bị cuốn vào suy nghĩ khác. Từ sự chú ý và tập trung hơn này đã mang lại hiệu quả hơn rất nhiều cho mình trong việc nghe thụ động. Do đó lời khuyên cực kỳ chân thành của mình với các bạn là hãy bỏ nghe thụ động mà không có phản ứng gì đi và hãy cố shadowing theo để có được kết quả cho việc luyện nghe đó.
Nhiều người cho rằng ngôn ngữ chính là sự giao tiếp lặp đi lặp lại, đặc biệt là nghe nói. Biết và hiểu từ đã khó, nghe được và nói được giống người bản xứ lại đòi hỏi công phu hơn nhiều. Vì vậy không có con đường nào khác là luyện tập miệt mài, mặc dù rất vất vả và nhàm chán. Ở giai đoạn đầu, có khi mình phải dành đến 30 phút để nghe và chép chính tả cho 1 đoạn ngắn vài câu thì phải mất đến 60 phút để shadowing. Nhưng có công mài sắt có ngày nên kim, tuy mất công và thời gian nhưng phương pháp này lại giúp cho kỹ năng nghe và nói tiến bộ rất nhanh.
Ngoài ra còn có một phương pháp luyện nghe và học tiếng Anh rất hay và hữu ích là học qua phim và show truyền hình. Mình đặc biệt khuyến nghị các bạn sử dụng phương pháp này sau khi đã luyện chép chính tả một thời gian, đã quen với âm của người bản xứ. Học qua phim và show truyền hình sẽ giúp các bạn đạt được những kết quả thực sự TO LỚN, các bạn hãy đừng bỏ qua nó nhé.
Dù ở trình độ nào, luyện nghe tập trung chính là phương pháp duy nhất giúp bạn nâng trình độ listening.
Mình mong rằng với bài viết chia sẻ này các bạn sẽ biết thêm một phương pháp luyện tập hữu hiệu để có thể áp dụng vào ôn luyện và phát triển các kỹ năng của mình. Nếu các bạn biết có phương pháp hoặc phần mềm nào hay, hãy chia sẻ bằng comment bên dưới nhé.
With love & passion!
P/s: Ngoài những bài giảng online cho những người tự học tiếng Anh, Ielts, nếu muốn học kỹ và chất lượng hơn với các lớp học ít người, học phí thấp các bạn có thể tham gia các lớp luyện thi Ielts offline trên đường Nguyễn Trãi – Hà Nội của mình nhé.
Hướng dẫn các kỹ năng Ielts:
Luyện thi tốt nghiệp THPT & ĐH
Ielts – Ngân Hoa trên Facebook